Chiến thuật đặc biệt Chiến_tranh_Thái_Bình_Dương

Chiến thuật tàu ngầm

Tàu ngầm Hoa Kỳ, giống như một số tàu khác của Anh và Hà Lan, cũng hoạt động từ căn cứ tại Cavite, Philippines, Fremantle, Brisbane tại Úc; Trân Châu cảng; Trincomalee, Ceylon tại Ấn Độ; đảo Midway; và sau này là Guam. Vào ngày 7 tháng 12 năm 1941, Hải quân Mỹ có 55 tàu ngầm hạm đội và 18 tàu ngầm cỡ trung ở Thái Bình Dương, 38 tàu ngầm ở nơi khác và 73 chiếc đang được chế tạo (Khi chiến tranh kết thúc, Mỹ đã đóng được thêm 228 tàu ngầm).

Lực lượng này đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc đánh bại Nhật Bản mặc dù số lượng tàu ngầm chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong lực lượng hải quân Đồng Minh, mà như của Hoa Kỳ là thấp hơn 2%.[254] Các tàu ngầm Hoa Kỳ đã làm chủ được đường biển khi đánh chìm tàu buôn, tàu chở quân và đặc biệt là các tàu chở dầu làm ảnh hưởng đến việc vận hành các khí tài quân sự và các chiến dịch quân sự của quân Nhật. Hậu quả là đến đầu năm 1945, các kho xăng dầu của quân Nhật đều cạn sạch. Phía Nhật Bản khẳng định đã đánh chìm 468 tàu ngầm Đồng minh[255] trong khi thật sự chỉ có 42 tàu ngầm Mỹ bị đánh chìm tại Thái Bình Dương, 10 chiếc còn lại bị tai nạn, bị chìm ở Đại Tây Dương hoặc do hậu quả của việc bắn nhầm.[256][257] Ngoài ra, có 3 tàu ngầm Anh bị đánh chìm. Đến cuối cuộc chiến, vào tháng 8 năm 1945, đội tàu vận tải Nhật Bản chỉ còn chưa đầy 1/4 lượng trọng tải vào tháng 12 năm 1941. Nhìn chung, các tàu ngầm của Hải quân Hoa Kỳ đã đánh chìm khoảng 1.300 tàu vận tải của Nhật Bản, cũng như khoảng 200 tàu chiến.

Các tàu ngầm Đồng Minh không áp dụng chiến thuật phòng thủ thụ động chờ đối phương mà chủ động tấn công. Vài giờ sau cuộc tấn công Trân Châu cảng, Roosevelt đã ra lệnh áp dụng học thuyết mới: một cuộc chiến tranh tàu ngầm không hạn chế chống lại Nhật Bản. Điều này có nghĩa là mọi chiến hạm, tàu buôn và tàu chở khách của phe Trục sẽ bị đánh chìm, không cảnh báo trước và cũng không cứu hộ những người sống sót.[258] Các căn cứ tàu ngầm của Đồng Minh được bảo vệ cẩn thận bởi các hạm đội tàu nổi và máy bay.

Khu trục hạm Yamakaze của Nhật bị trúng ngư lôi, góc nhìn từ kính tiềm vọng tàu ngầm USS Nautilus SS-168 của Mỹ vào tháng 6 năm 1942.

Theo tính toán, các tàu ngầm Hoa Kỳ chiếm 56% trong số các tàu buôn, tàu vận tải của Nhật Bản bị đánh chìm; hầu hết số còn lại đều bị tiêu diệt bởi thủy lôi và máy bay.[256] Các tàu ngầm này còn khẳng định đã đánh chìm 28% số tàu chiến Nhật.[259] Cuộc chiến chống lại vận tải biển là yếu tố quyết định nhất trong sự sụp đổ của nền kinh tế Nhật Bản. Các tàu ngầm đồng minh cũng đánh chìm một số lượng lớn tàu vận tải chở quân, giết chết hàng ngàn binh sĩ Nhật Bản và làm cản trở việc triển khai quân tiếp viện của Nhật Bản trong các trận chiến trên các đảo Thái Bình Dương.

Ngoài ra, tàu ngầm Đồng Minh còn đóng vai trò trinh sát, như trong trận đánh ở biển Philippinesvịnh Leyte, khi đã cung cấp chính xác thời gian và cảnh báo về hướng tiến của hạm đội Nhật. Chưa kể hàng ngàn phi công Đồng Minh bị bắn hạ rơi xuống biển đã được cứu bởi lực lượng tàu ngầm.

Mặc dù hải quân Nhật Bản cũng có một số lượng lớn tàu ngầm nhưng đã không tạo được ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến cuộc chiến. Năm 1942, các tàu ngầm Nhật đã hoạt động rất tốt khi đánh chìm hoặc làm bị thương các tàu chiến Đồng Minh. Tuy nhiên, Hải quân Đế quốc Nhật Bản lại áp dụng một học thuyết như của hải quân Mỹ trước chiến tranh là để nắm được quyển khống chế biển, phải dựa vào lực lượng hạm đội hùng mạnh chứ không bằng việc đánh phá các tuyến vận tải biển. Do đó, mặc dù người Mỹ có một tuyến vận tải không thường xuyên từ bờ biển phía tây đến mặt trận dễ bị tàu ngầm tấn công nhưng các tàu ngầm Nhật Bản lại chỉ sử dụng trong vai trò trinh sát tầm xa và thỉnh thoảng mới tấn công các tuyến vận tải Mỹ. Các hoạt động của tàu ngầm Nhật trong vùng biển nước Úc vào năm 1942 và 1943 cũng chỉ đạt được một số thành quả nhỏ.[260] Khi chiến cuộc trở nên bất lợi đối với người Nhật, các tàu ngầm Nhật chuyển sang vai trò cung cấp tiếp liệu cho các căn cứ đã bị phong tỏa như TrukRabaul. Ngoài ra, mặc dù là đồng minh với Đức, Nhật Bản lại tôn trọng hiệp ước với Liên Xô mà bỏ qua hàng triệu tấn hàng tiếp liệu chiến tranh của Mỹ cho Liên Xô từ San Francisco đến Vladivostok.[261]

Tàu ngầm I-400 của hải quân Nhật. Lớp tàu Sen Toku I-400 là những tàu ngầm phi hạt nhân lớn nhất từng được xây dựng. Tuy nhiên, các tàu ngầm Nhật đã không được sử dụng hết khả năng trong cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương.

Hải quân Mỹ, tương phản với người Nhật, tin tưởng vào hiệu quả của việc đánh phá vận tải biển ngay từ khi chiến tranh bắt đầu. Tuy nhiên, việc quân Đồng Minh bị bao vây ở Philippines trong giai đoạn đầu chiến tranh đã khiến họ phải phân tán lực lượng tàu ngầm vào các nhiệm vụ đánh lén. Ngoài ra, tàu ngầm xuất phát từ các căn cứ ở Úc luôn nằm dưới sự đe dọa của không quân Nhật khi thực hiện các chuyến tuần tra làm giảm hiệu quả hoạt động nên đô đốc Nimitz chỉ tin tưởng tàu ngầm ở nhiệm vụ giám sát các căn cứ của địch. Một nguyên nhân nữa là Ngư lôi Mark 14 và ngòi nổ Mark VI trang bị cho các tàu ngầm đều hoạt động kém hiệu quả, thường xuyên bắn trật mục tiêu và phải đến tháng 9 năm 1943, các khuyết điểm mới được khắc phục. Rồi trong giai đoạn trước chiến tranh, một nhân viên của Sở Quan thuế Hoa Kỳ (United States Customs Service) đã lấy được một bản sao chép mật mã thương mại đường biển của Nhật (gọi là mật mã Maru), mà không hề biết rằng Cơ quan Tình báo Hải quân (ONI) đã bẻ khóa được[262] Chính quyền Nhật Bản biết được việc này đã nhanh chóng đổi khóa mã mới và khóa mã mới này chỉ bị phá vào năm 1943.

Do những nguyên nhân trên, phải đến năm 1944, Hải quân Mỹ mới sử dụng tối đa hiệu quả 150 tàu ngầm của mình: các máy radar được gắn lên tàu, chỉ huy thiếu tinh thần chiến đấu bị thay thế và khắc phục lỗi ngư lôi. Trong khi đó, việc bảo vệ các chuyến vận tải biển của Nhật là rất kém hiệu quả do các chiến thuật chống tàu ngầm yếu kém.[263] Do đó, số lượng các chuyến tuần tra và số lượng các tàu bị đánh chìm bởi tàu ngầm Hoa Kỳ ngày càng tăng nhanh chóng: 350 chuyến (180 tàu chìm) năm 1942, 350 (335) năm 1943 và 520 (603) năm 1944.[264] Năm 1942, tàu ngầm Hoa Kỳ đã đánh chìm 4.047 tấn, năm sau lên đến 388.016 tấn chỉ riêng tàu chở dầu, và một con số gấp đôi vào năm 1944.[120] Đến năm 1945, số lượng và tải trọng tàu bị đánh chìm giảm xuống do các mục tiêu không còn dám ra mặt biển nữa. Tổng cộng, tàu ngầm Đồng Minh đã đánh chìm 1.200 thương thuyền với khoảng 5 triệu tấn hàng hóa. Hầu hết là các tàu chở hàng nhỏ, nhưng trong đó có 124 tàu chở dầu đang chở nhiên liệu cần thiết từ Đông Ấn (Nam Dương). 320 chiếc khác là tàu chở khách hoặc chở quân. Trong các chiến dịch tại Guadalcanal, SaipanLeyte, hàng ngàn lính Nhật đã bị giết hoặc buộc phải đổi hướng trước khi đến được nơi cần đổ bộ do tàu chở quân bị đánh chìm. Khoảng 200 chiến hạm Nhật bị tàu ngầm đánh chìm, từ các tàu khu trục, tàu thả thủy lôi, tàu săn tàu ngầm cho đến tuần dương hạm, 1 thiết giáp hạm và khoảng 8 hàng không mẫu hạm. Tuy nhiên, tổn thất về người của lực lượng tàu ngầm cũng không hề nhỏ; trong số 16.000 nhân viên tàu ngầm Mỹ tham gia vào công việc tuần tra, 3.500 người trong số họ (22%) đã không bao giờ trở về, tỉ lệ thương vong cao hơn bất kì một lực lượng nào khác trong quân đội Mỹ.[265] Tổn thất của Nhật, 130 tàu ngầm,[266] thậm chí còn cao hơn.

Một tàu ngầm Đức, U-862, đã hoạt động tại Thái Bình Dương trong suốt cuộc chiến, tuần tra dọc theo bờ biển phía đông nước Úc và New Zealand vào tháng 12 năm 1944 và tháng 1 năm 1945. Nó đã đánh chìm được một tàu trước khi bị gọi về Batavia.[267]

Số liệu tàu vận tải Nhật trong Thế chiến 2 (tính theo tấn tải trọng, theo JANAC[268]

Thời kỳKhi bắt đầuTăng thêmTổn thấtThay đổiKết thúc
Năm 1942 (tính cả tháng 12/1941)5,975,000111,000725,000−89,0005,886,000
Năm 19435,886,000177,0001,500,000−1,323,0004,963,000
Năm 19444,963,000624,0002,700,000−2,076,0002,887,000
Năm 19452,887,000?415,000−415,0002,472,000
Kết thúc chiến tranh3,903,0001,983,000

Một tài liệu Nhật báo cáo rằng 15.518 tàu dân sự đã bị chìm trong chiến tranh[269] JANAC báo cáo rằng trong suốt chiến tranh, 2.117 tàu vận tải Nhật đã chìm với tổng tải trọng 8.040.851 tấn và 611 tàu của Hải quân Nhật đã chìm với tổng tải trọng 1.851.450 tấn.[270]

Xem thêm tổn thất về tàu chiến và tài vận tải biển của Nhật Bản trong giai đoạn 1941-1945[271] và tải trọng tàu mà các tàu ngầm Mỹ khẳng định đã đánh chìm hay làm bị thương giai đoạn 1941-1945.[272] Ủy ban đánh giá liên quân Hải - Lục ước định thành tích của các tàu ngầm Mỹ.[273]

Kamikaze

Bài chi tiết: Kamikaze
Một máy bay Mitsubishi Zero chuẩn bị đâm vào thiết giáp hạm Missouri của Hoa Kỳ vào ngày 11 tháng 4 năm 1945 trong trận Okinawa

Kamikaze (Thần phong) là tên gọi một chiến thuật tấn công đặc biệt mà không quân Nhật áp dụng trong giai đoạn cuối của Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo chiến thuật này, một phi công sẽ lái máy bay của mình, thường là máy bay tiêm kích hay máy bay ném bom hạng nhẹ[274] chở đầy thuốc nổ, bom, ngư lôi và bình xăng đâm vào chiến hạm đối phương. Ngoài các đội Kamikaze đánh tàu chiến, còn có một bộ phận nhỏ các phi đội Kamikaze khác có nhiệm vụ phòng không, họ sẽ lao máy bay của mình vào các pháo đài bay B-29 của Mỹ.

Tên gọi Kamikaze còn được dùng để chỉ chiếc máy bay thực hiện nhiệm vụ đó. Từ Kamikaze bắt nguồn từ tên một trận bão lớn đã đánh chìm toàn bộ đoàn thuyền chiến của đế quốc Mông Cổ, cứu nước Nhật khỏi họa xâm lăng vào thế kỷ XIII. Ngoài các phi cơ chiến đấu và máy bay ném bom được chuyển thành Kamikaze, từ tháng 3 năm 1945, người Nhật đã cho xuất hiện vũ khí mới là Yokosuka MXY7 Ohka, thực chất là một loại bom lượn có người lái, phóng đi từ máy bay mẹ và người cảm tử quân ngồi bên trong sẽ điều khiển Ohka đánh trúng mục tiêu.

Phi đội Kamikaze đầu tiên đã được thành lập tại phi trường Mabalacat, trên đảo Luzon, Philippines và người được xem là cha đẻ của chiến thuật này là đô đốc Onishi Takijiro. Cuộc tấn công chính thức đầu tiên của một phi đội Kamikaze diễn ra vào ngày 25 tháng 10 năm 1944 trong trận hải chiến vịnh Leyte và đã đánh chìm tàu sân bay hộ tống USS St. Lo. Tuy nhiên, chiến thuật Kamikaze cũng đã không thể cứu vãn thất bại của Nhật Bản tại Philippines.

Trong trận Okinawa, chiến thuật Kamikaze đã trở thành quốc sách và là một phần của chiến lược trong trận đánh. Kể từ ngày 6 tháng 4 đến ngày 22 tháng 6, các Kamikaze đã đánh chìm 30 chiến hạm các loại của hải quân Hoa Kỳ, làm trọng thương 223 hạm tàu khác. Số binh lính và sĩ quan hải quân Đồng Minh tử trận lên đến 4.907 người và 4.824 người khác bị thương.[275]

Để chống lại các Kamikaze, hải quân Đồng Minh đã sử dụng nhiều biện pháp trong đó thành công nhất là bố trí các khu trục hạm bao quanh soái hạm để tạo nên một lưới lửa phòng không ngăn chặn các Kamikaze tiến đến mục tiêu là kho xăng dầu. Việc chỉ được huấn luyện sơ sài cũng khiến phi công Kamikaze trở thành mồi ngon cho các phi công Đồng Minh lão luyện và được trang bị máy bay tốt hơn. Tuy nhiên, theo thống kê của không lực Hoa Kỳ sau khi chiến tranh kết thúc, có đến 14% Kamikaze sống sót và đánh trúng tàu Mỹ; gần 8,5% số tàu bị Kamikaze đánh trúng bị chìm.[276]

Nhà báo người Úc Denis và Peggy Warner, trong cuốn sách in năm 1982 với sử gia hải quân Nhật Seno Sadao (The Sacred Warriors: Japan’s Suicide Legions), đưa ra con số 57 tàu bị kamikazes đánh đắm. Tuy nhiên, Bill Gordon, một nhà Nhật Bản học người Mỹ chuyên gia về kamikaze, cho biết có 49 tàu bị kamikaze đánh đắm[277]. Trong số các tàu bị đánh chìm có 3 chiếc tàu sân bay hộ tống và 14 tàu khu trục, còn lại là tàu vận tải. Ngoài số tàu bị đánh chìm, các kamikaze đã đánh hỏng 368 tàu khác (một số tàu trong số đó bị đánh hỏng nhiều lần), bao gồm 39 lượt tàu sân bay bị đánh hỏng (gồm 15 lượt tàu sân bay hộ tống, 3 tàu sân bay hạng nhẹ và 21 lượt tàu sân bay cỡ lớn), nhiều tàu trong số đó bị hỏng rất nặng. Để đạt được thành quả ấy, người Nhật đã mất hơn 3.900 máy bay kamimakze các loại và số phi công tương ứng trong toàn cuộc chiến, nhưng họ vẫn không thể đảo ngược tình thế ở Okinawa cũng như toàn bộ cuộc chiến.

Trong số tàu bị đánh trúng, khoảng 8,5% bị chìm, tất cả đều là các tàu cỡ vừa hoặc nhỏ (có choán nước dưới 10.000 tấn). Tỷ lệ tàu chìm khá thấp là do các máy bay kamikaze tấn công theo kiểu bổ nhào từ trên cao xuống, lao vào tàu từ phía trên. Những đòn tấn công vào các khu vực phía trên mớn nước kiểu này ít khi có khả năng làm chìm tàu cỡ lớn, bởi ít làm hư hại lườn tàu. Tuy nhiên, vụ nổ do chiếc máy bay lao vào tàu có thể gây ra những đám cháy dữ dội tàn phá cấu trúc thượng tầng của con tàu, làm các thiết bị, vũ khí và máy móc bị hư hỏng. Nhiều con tàu bị kamikaze đánh trúng vẫn nổi và không được tính là chìm, nhưng thực ra chúng bị hư hại rất nặng, chi phí sửa chữa và thiệt hại nhân mạng rất lớn. Ví dụ như chiếc tàu sân bay USS Bunker Hill (CV-17) bị đánh trúng vào ngày 11/5/1945, tàu không chìm nhưng đã có 389 người chết và 264 bị thương, và phải mất 4 tháng để sửa chữa hư hại.

Chiến thuật này chỉ chính thức chấm dứt từ ngày 15 tháng 8 năm 1945, ngày Nhật Bản tuyên bố đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Đô đốc Ōnishi đã mổ bụng tự sát với mong muốn cái chết của mình sẽ là sự tạ tội trước những phi công Kamikaze đã hy sinh và những gia đình của họ.

Các chiến thuật tấn công tự sát khác

Một ngư lôi đỉnh tự sát Shinyo.

Ngoài Kamikaze, người Nhật còn có một số chiến thuật tấn công tự sát khác. Hải quân Đế quốc Nhật BảnKairyu, một kiểu tàu ngầm được trang bị 2 ngư lôi và 600 kg chất nổ dùng trong các nhiệm vụ tự sát. Ngoài ra còn có Kaiten ("Hồi thiên" tức là xoay trời), một kiểu ngư lôi có một người ngồi bên trong và sẽ lái nó lao thẳng vào tàu địch sau khi được phóng ra từ các chiến hạm hoặc tàu ngầm; Shinyo, một kiểu ngư lôi đỉnh phía trước mũi chứa đầy chất nổ cực mạnh, có thể đạt đến tốc độ 28 hải lý hay Fukuryu, những người nhái sẽ mang một khối thuốc nổ lặn xuống đáy biển để gắn vào chân vịt hoặc bánh lái tàu của địch quân.

Được sử dụng từ cuối năm 1944, Kaiten đã đánh chìm tổng cộng một tàu khu trục hộ tống, một tàu chở dầu cỡ lớn và một tàu đổ bộ chở lính, đồng thời gây hư hại cho vài tàu khác, gây ra cái chết của 187 quân nhân Mỹ. Đổi lại, 104 chiếc Kaiten cùng người lái của chúng đã thiệt mạng. Nhìn chung, Kaiten các phiên bản đầu được coi là có hiệu quả thấp, dễ bị hỏng hóc nên tỷ lệ đánh trúng mục tiêu thấp, các phiên bản cải tiến đã được phát triển nhưng chưa đi vào tham chiến thì Nhật Bản đã đầu hàng.

Trong các trận đánh trên bộ, Lục quân Đế quốc Nhật Bản còn sử dụng các cuộc "Tấn công Banzai" (萬歳突撃?). Đây là tên gọi cho chiến thuật biển người được thực hiện bởi lính Nhật nhằm tránh phải đầu hàng, bị bắt làm tù binh và nhất là bảo toàn danh dự cho quân đội Thiên hoàng sau khi thất trận. Sở dĩ quân Đồng Minh gọi tên chiến thuật tấn công này là "Tấn công Banzai" vì quân Nhật vừa tấn công, vừa hô to Tennōheika banzai! (天皇陛下萬歳!, Tennōheika banzai!?), nghĩa là "Thiên hoàng vạn tuế!".[278] Chiến thuật này được sử dụng lần đầu trong trận Attu năm 1943 và được sử dụng thường xuyên cho đến trận Okinawa vào năm 1945.

Fu-Go

Bài chi tiết: Fu-Go

Fu-Go (Tiếng Nhật:風船爆弾 fūsen bakudan, nghĩa là vũ khí mượn sức gió) hay khinh khí cầu mang bom là một thứ vũ khí đặc biệt được Nhật Bản sử dụng để tấn công chính quốc Hoa Kỳ bằng đường không nhằm đáp trả lại cuộc oanh kích Tokyo vào năm 1942. Trong cuốn sách tựa đề "Fu-Go: Lịch sử kỳ lạ của cuộc tấn công bằng bom khí cầu của Nhật Bản nhằm vào nước Mỹ", tác giả Ross Coen mô tả loại vũ khí này là "Tên lửa liên lục địa đầu tiên trên thế giới".

Chiến dịch này được Đế quốc Nhật Bản lên kế hoạch từ năm 1944, nhằm lợi dụng những dòng khí di chuyển sang phía đông ở độ cao hơn 9 km để trả đũa các vụ không kích của Hoa Kỳ. Nhật Bản có rất ít lựa chọn để tấn công vào đất liền của nước Mỹ, bởi họ đã mất nhiều tàu sân bay trong các cuộc hải chiến với quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương. Năm 1942, tàu ngầm của nước này đã âm thầm tiến sát bờ biển nước Mỹ và oanh tạc các mục tiêu ở bang OregonCalifornia nhưng không gây ra thiệt hại đáng kể và đến năm 1944, các cuộc tấn công kiểu này không còn khả thi. Phòng nghiên cứu Kỹ thuật Quân đội Số 9 của Đế quốc Nhật Bản đã tạo ra các khinh khí cầu dùng khí hydro nhẹ nhưng bền chắc từ loại giấy bằng gỗ dâu tằm mang theo các vũ khí như mìn sát thương 15 kg, các quả bom cháy loại 5 kg hay 12 kg, nhờ sử dụng các bao cát để giữ thăng bằng và một đồng hồ kiểm soát độ cao với những quả bom có được treo vòng quanh, chúng mất 30-60 giờ để bay tới bờ biển nước Mỹ. Những khinh khí cầu được thiết kế rất khéo léo, giúp chúng bay cao vào ban ngày và hạ thấp vào ban đêm nhờ một đồng hồ đo khí áp giúp kiểm soát trần bay.

Kế hoạch được thực hiện thành 2 đợt: đợt 1 vào tháng 6 năm 1944 với 200 quả nhưng khí cầu đã không đến được mục tiêu.[279] Đợt 2 số lượng lớn hơn rất nhiều, lên đến 9.300 quả nhưng chỉ một số ít rơi xuống các bang Oregon, Michigan và gây tổn thất không đáng kể, chỉ gây ra thiệt hại nhỏ, một phần do khí hậu mùa đông ẩm ướt đã dập tắt các ngọn lửa.[280] Sau khi phát hiện, Hoa Kỳ đã huy động hàng nghìn quân và nhiều phi đội máy bay tìm kiếm, ngăn chặn khinh khí cầu bay vào nội địa.

Ngày 10 tháng 3 năm 1945, một khinh khí cầu loại này đã làm hỏng tuyến dây điện chính kết nối từ Đập Grand Coulee trên sông Columbia gây chập điện và tắt nguồn cung cấp cho nhà máy làm mát của cơ sở Hanford - một cơ sở hạt nhân khi đó đang sản xuất plutonium cho quả bom nguyên tử phá hủy thành phố Nagasaki sau này. Công việc bị gián đoạn trong một thời gian ngắn.

Tuy nhiên, sự bưng bít của truyền thông Hoa Kỳ khi đó đã khiến người Nhật không hề hay biết hiệu quả của những nỗ lực trả đũa bằng khinh khí cầu. Báo chí không đưa tin về những vụ nổ để ngăn không cho người Nhật biết rằng các vũ khí thử nghiệm của họ trên thực tế đã bay đến được nước Mỹ. Có vẻ như quân đội Nhật đã thất vọng với kết quả của chiến dịch và từ bỏ hoạt động này vài tháng trước khi đầu hàng quân Đồng minh vào tháng 9 năm 1945.

Năm 1950, một tượng đài được dựng lên gần nơi nổ bom khí cầu để tưởng niệm những nạn nhân ở Oregon, mang tênTượng đài Mitchell với dòng chữ khắc:"Nơi duy nhất trên đất Mỹ xảy ra cái chết do hành động của kẻ thù trong Thế chiến thứ II".[281] Ngày nay, Bảo tàng hạt Klamath và một bảo tàng khinh khí cầu ở Albuquerque vẫn trưng bày những quả bom khinh khí cầu chưa phát nổ của Nhật Bản.[282]

Vũ khí sinh học

Bài chi tiết: Đơn vị 731

Đơn vị 731 (731部隊 (731 bộ đội)/ ななさんいちぶたい, Nana-san-ichi butai?, tiếng Trung: 731部队) Là một đơn vị nghiên cứu và phát triển vũ khí hóa-sinh của Quân đội Hoàng gia Nhật Bản, đơn vị này đã tiến hành nhiều thí nghiệm nguy hiểm trên cơ thể người trong chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai (1937-1945) và chiến tranh thế giới thứ hai. Đơn vị 731 được điều hành bởi tư lệnh Ishii Shiro đến tận khi kết thúc chiến tranh. Đơn vị 731 là cơ quan đầu não của nhiều đơn vị khác phục vụ cho Đế quốc Nhật trong việc nghiên cứu vũ khí sinh học; bao gồm Đơn vị 516 (Tề Tề Cáp Nhĩ), Đơn vị 543 (Hải Lạp Nhĩ), Đơn vị 773 (Songo unit), Đơn vị 100 (Trường Xuân, Cát Lâm), Unit Ei 1644 (Nam Kinh), Đơn vị 1855 (Bắc Kinh), Đơn vị 8604 (Quảng Châu), Unit 200 (Mãn Châu) và Đơn vị 9420 (Singapore). Nó được coi là một trong những tội ác chiến tranh khét tiếng nhất của người Nhật.

Trong Chiến tranh Trung-Nhật và cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, người Nhật đã dùng mầm bệnh dịch hạch, bệnh tả, đậu mùa, bệnh than cũng như một số bệnh khác vào những quả bom thả xuống hàng ngũ binh sĩ và kể cả dân thường Trung Quốc.[283]

Trong vài tháng đầu chiến tranh với Hoa Kỳ sau vụ tấn công Trận Trân Châu Cảng, Nhật Bản cũng đã lên kế hoạch sử dụng vũ khí sinh học chống lại người Mỹ. Trong Trận Bataan vào tháng 3 năm 1942, người Nhật toan tính thả hơn 90 kg bọ chét mang mầm bệnh dịch hạch và khoảng 150 triệu côn trùng. Tuy nhiên, sự đầu hàng của các lực lượng Mỹ khiến kế hoạch không cần thiết.

Vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, các nhà khoa học thuộc Đơn vị 731 đã phá hủy hầu hết bằng chứng của chương trình. Tuy nhiên, một số động vật thử nghiệm bị nhiễm bệnh đã được thả ra gây bệnh dịch hạch cho khoảng 30.000 người tại Bình Phòng (Cáp Nhĩ Tân) trong vòng 3 năm đầu tiên sau chiến tranh.[283]

Theo Hội thảo quốc tế về tội ác của chiến tranh vi khuẩn năm 2002, số người bị giết bởi Quân đội Đế quốc Nhật qua thử nghiệm vi khuẩn trên người là khoảng 580.000. Theo các nguồn khác, “hàng chục ngàn, và có lẽ có tới 400.000 người Trung Quốc đã chết vì bệnh dịch hạch, bệnh tả, bệnh than và các bệnh khác” do chiến tranh sinh học.[283]

Sau khi Nhật Bản đầu hàng, Mỹ cảm thấy hứng thú với những kết quả thí nghiệm vũ khí sinh học của Đơn vị 731. Để đổi lấy thông tin, chính quyền Mỹ đã ém nhẹm tội ác của Đơn vị 731, đồng thời miễn truy cứu trách nhiệm đối với tướng Ishii Shiro cùng với những kẻ liên quan bất chấp sự phản đối của Liên Xô. Tướng Shiro Ishii qua đời trong yên bình ở tuổi 67. Nhiều nhà khoa học Nhật tham gia Đơn vị 731 cũng được Mỹ miễn truy tố tội ác chiến tranh và về sau có những người đã có được sự nghiệp lớn về chính trị, học thuật, kinh doanh và y tế.[283]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_Thái_Bình_Dương http://ajrp.awm.gov.au/AJRP/AJRP2.nsf/437f72f8ac2c... http://wwii.ca/index.php?page=Page&action=showpage... http://www.china.org.cn/english/features/celebrati... http://www.avalanchepress.com/MexicanAirForce.php http://forum.axishistory.com/viewtopic.php?f=65&t=... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/137119/B... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/247568/B... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/310634/k... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/381684/B... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/456391/B...